Hàng thập kỷ nay, các nhà sản xuất ô tô khi thiết kế hệ thống treo luôn phải thỏa hiệp giữa tính ổn định, dễ lái và khả năng bám đường.
Nếu một hệ thống treo có độ cứng lớn sẽ dễ dàng điều khiển, vào cua hay quay vòng tuy nhiên khả năng bám đường sẽ kém và ngược lại. Chính vì vậy việc lựa chọn độ cứng thích hợp cho hệ thống treo luôn là một bài toán khó giải cho các nhà thiết kế.
Nhìn chung khi thiết kế hệ thống treo cho xe ô tô, thông thường thì các nhà sản xuất sẽ dựa vào phân khúc xe như thể thao, sedan hay SUV…để lựa chọn độ cứng thích hợp cho hệ thống treo. Tuy nhiên điều này sẽ chưa làm hài lòng đối với những khách hàng khó tính, những người tìm kiếm sự hoàn hảo khi vận hành theo cả hai tính năng tiện nghi và an toàn. Vì vậy những hệ thống treo chủ động và hệ thống treo bán chủ động đã ra đời để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Những nhà sản xuất ô tô luôn mong muốn hệ thống treo của xe đáp ứng được cả hai yêu cầu tiện nghi (tính êm dịu) và an toàn (dễ điều khiển), và Delphi - một trong những nhà sản xuất phụ kiện ô tô hàng đầu thế giới đã tiên phong trong việc đưa tới cho các nhà sản xuất ô tô một hệ thống treo cho phép thay đổi được độ cứng của giảm chấn theo điều kiện làm việc, còn được gọi “hệ thống treo bán chủ động” và đã được lắp đặt trên một số xe như: Chevy Corvette, Cadillac ATS và Ferrari 458 italia.
Hệ thống treo bán chủ động của Delphi làm việc dựa trên nguyên lý điện từ. Theo đó trong dầu thủy lực của giảm chấn có sử dụng một số hạt kim loại nhỏ, trong quá trình làm việc từ trường của hệ thống tạo ra sẽ tác động lên các hạt kim loại này và làm thay đổi độ nhớt của dầu thủy lực, do vậy “độ cứng” của giảm chấn sẽ được thay đổi để phù hợp với điều kiện vận hành của xe.
Ngoài ra, một cách khác để thực hiện thay đổi đặc tính làm việc của giảm chấn là tăng cường áp suất thủy lực bên trong giảm chấn như cách làm của Mercedes- được biết đến với tên gọi hệ thống kiểm soát thân xe chủ động “Active Body Control” (ABC). Tuy nhiên công nghệ này làm việc dựa trên bộ điều khiển cùng với 5 cảm biến được bố trí trên thân xe để phát hiện những chuyển động của thân xe (chuyển động theo phương ngang, dọc và thẳng đứng của thân xe).
Dựa vào dữ liệu của các cảm biến, bộ điều khiển sẽ thực hiện tăng hoặc giảm độ cứng của giảm chấn theo từng điều kiện cụ thể. Ngoài năm cảm biến chính, thì công nghệ “Active Body Control” còn có thêm một số cảm biến được đặt vào bên trong giảm chấn để đo vị trí và áp suất thủy lực. Để điều chỉnh áp suất, thì hệ thống sử dụng một bơm thủy lực có áp suất cao để thực hiện thay đổi áp suất bên trong giảm chấn trong vòng 10 giây, nhờ vậy sẽ tăng phạm vi điều chỉnh độ cứng của giảm chấn theo điều kiện của mặt đường.
Xe360.vn (nguồn: autonet)